Mụn ra đi, nhưng không có nghĩa là “cuộc chiến” kết thúc, bởi chúng ta còn phải đối mặt với các hậu quả sau mụn như: thâm đen, thâm đỏ hay sẹo. Vậy thì sẹo mụn là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục như thế nào? Trong bài viết này, hãy cùng Skin Wisdom tìm hiểu những điều cần biết về sẹo mụn và cách hạn chế sự xuất hiện, cũng như tác động của chúng lên da nhé!
1. Nguyên nhân hình thành sẹo mụn
-
Sẹo lõm
Đây là loại sẹo xuất hiện khi phản ứng viêm diễn ra mạnh mẽ sẽ giải phóng các hóa chất trung gian – cytokine gây phá hủy nghiêm trọng mô biểu bì. Điều này dẫn đến việc hoại tử một phần của da mặt, gây nên những phần da bị lõm. Sẹo lõm/sẹo rỗ cũng chính là loại sẹo mụn thường gặp nhất và ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ của khuôn mặt.
-
Sẹo lồi
Trong bước hóa sợi của quá trình hóa sẹo, mô hạt được chuyển thành mô liên kết do các nguyên bào sợi gia tăng tổng hợp các sợi collagen. Tuy nhiên sự tổng hợp quá mức các sợi collagen sẽ tạo ra các sẹo lồi. Ngược lại với sẹo lõm, thì sẹo lồi lại là loại sẹo hiếm gặp hơn.
Vậy nên trong bài này, chúng ta sẽ tập trung tìm hiểu chủ yếu về sẹo lõm nha!
Sẹo lồi là loại sẹo mụn hiếm gặp
2. Bước đầu hạn chế sự xuất hiện và tác động của sẹo mụn
Cũng tương tự như thâm, thì đối với sẹo mụn, ta cũng cần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Cụ thể như sau:
– Chữa mụn càng sớm càng tốt. Không nên lần lữa, trì hoãn thời gian trị mụn quá dài, do mụn càng để lâu, da càng viêm thì chất lượng da càng đi xuống. Điều này không chỉ dễ để lại sẹo mà còn đẩy nhanh quá trình lão hóa. Ngoài ra ổ viêm lâu ngày lan ra mô xung quanh chắc chắn sẽ gây nên hậu quả lõm sâu, kém thẩm mỹ.
– Hãy bôi kem chống nắng. Tia UV ngoài khả năng gây thâm thì còn gây viêm, gây khủng hoảng hệ miễn dịch, làm đứt gãy sợi protein, phá hủy môi trường ngoại bào…, Những điều đó sẽ tạo điều kiện cho sẹo bị lõm sâu hơn.
3. Bôi gì tại nhà để tránh/chữa sẹo mụn?
– Thực tế là trong đồ trị mụn thông thường vốn đã có chức năng tăng sinh, nên ngay từ giai đoạn trị mụn, bạn sẽ có khá nhiều lựa chọn đồ bôi có công dụng hạn chế sẹo lõm.
– Một số hoạt chất quen thuộc và phổ biến khác như: AHAs, Vitamin B3, Azelaic Acid, Retinol.
(lưu ý khi sử dụng Retinol trên nền da nhạy cảm và có mụn thì cần nghiên cứu, lựa chọn nồng độ phù hợp thật kỹ càng, tránh kích ứng nha!)
– Các chất chống oxy hóa: vừa giúp da đỡ viêm, đỡ mụn, lại làm khỏe da. Nhờ vào khả năng kháng viêm, các chất này sẽ đồng thời hạn chế tổn thương vùng trung bì. Với da còn mụn thì bạn nên thử Niod Survival 0.
– VitC LAA – nồng độ từ 10% trở lên (phù hợp với da đã hết mụn)
– GHK-Cu: chi tiết về hoạt chất này, bạn có thể xem tại đây.
4. Các phương pháp trị liệu tại cơ sở thẩm mỹ
Điều đầu tiên cần đặc biệt nhấn mạnh đó là “TRỊ SẸO MỤN CÀNG SỚM CÀNG TỐT”. Không nên chần chừ hay trì hoãn! Vậy nên nếu không thể tự xử lý sẹo mụn tại nhà, bạn hãy tìm hiểu các phương pháp trị liệu tại cơ sở ngay từ bây giờ nha!
Có rất nhiều phương pháp khác nhau để xử lý sẹo mụn và tùy thuộc vào tình trạng sẹo cụ thể để lựa chọn. Nhìn chung, nếu đã có sẹo thì thường là sẹo hỗn hợp và mọi dạng sẹo đều cần kết hợp các biện pháp khác nhau. Một số phương pháp có thể kể đến như:
– Tiêm kích thích tăng sinh: Mesotherapy với nhân tố tăng trưởng hoặc PRP
– Tiêm làm đầy, tạo khoang, tránh dính sẹo sau cắt đáy: Filler – nhưng thường ít nơi làm vì đội giá thành khá cao
– Cà da, làm phẳng và đồng đều bề mặt da: Laser, Lăn Kim, Peel
5. Chế độ sinh hoạt
Và tất nhiên điều cuối cùng cũng không kém phần quan trọng – đó là chế độ ăn ngủ nghỉ trong quá trình phòng lẫn trị sẹo mụn. Ngoài việc ăn đủ bữa, ngủ đủ, luôn giữ vững tinh thần tích cực, lạc quan, thì bạn cũng có thể lưu ý thêm vài điều sau:
– Nên ăn nhiều thịt. Nếu cảm thấy hơi “ngán”, bạn có thể bổ sung Whey vào khẩu phần của mình
– Nên ăn đa dạng rau củ các loại màu
– Nên kiên trì và cố gắng theo sát liệu trình cũng như hướng dẫn trong suốt quá trình nếu đang điều trị tại cơ sở thẩm mỹ
Trên đây là một số thông tin về sẹo mụn, đặc biệt là sẹo lõm. Skin Wisdom hy vọng bạn đã phần nào hiểu rõ hơn về chúng. Hãy ghi nhớ cách đề phòng để giữ gìn làn da láng mịn và căng bóng nha!
Nguồn: Bohemian Raspberry